Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13 sắp diễn ra: 7 quốc gia với 19 tác phẩm điện ảnh
Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13 chuẩn bị diễn ra, quy tụ 19 tác phẩm điện ảnh đặc sắc của 7 quốc gia: Anh, Áo, Đức, Bỉ Italia, Tây Ban Nha, Phần Lan và chủ nhà Việt Nam. Các phim sẽ được tổ chức liên hoan công chiếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mở cửa miễn phí cho khán giả, từ ngày 22 đến 28/9/2023.

BTC gặp gỡ báo chí thông tin về chương trình "Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13" chuẩn bị diễn ra.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu (EUNIC), đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí thông tin về chương trình "Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13" chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), từ ngày 22 đến 28/9/2023.
Ông Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương,
cùng đại diện của 7 quốc gia, trả lời thông tin trước báo chí.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương - ông Trịnh Quang Tùng cho biết, Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam là sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa giữa các quốc gia châu Âu và Việt Nam. Ở lần thứ 13 này, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam là đơn vị điều phối cùng Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, sẽ tổ chức liên hoan công chiếu tại Hà Nội và TP. HCM, từ ngày 22 đến 28/9/2023.
Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13, quy tụ 19 tác phẩm điện ảnh phim tài liệu, của 7 quốc gia: Anh, Áo, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Phần Lan và chủ nhà Việt Nam. Trong đó, mỗi quốc gia châu Âu tham dự một phim và Việt Nam tham dự 12 phim. Nhiều bộ phim đã giành được giải thưởng tại liên hoan phim quốc tế và Việt Nam.
Phim “Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu” (Anh).
Bộ phim “Muntadas ở Hà Nội: Diễn giải về đô thị từ góc nhìn Tây Ban Nha - Việt Nam” (Tây Ban Nha) về Hà Nội qua góc nhìn của người nước ngoài.
Đề tài các bộ phim mang đến khán giả khá đa dạng, xoay quanh những vấn đề của đời sống xã hội hiện nay, như biến đổi khí hậu, giải phóng phụ nữ, bảo vệ và chung sống hòa bình với thiên nhiên, những rủi ro của thời đại số…
Phim “Cô gái mang tên Tania” (Bỉ), đề cập về vấn đề quyền của người phụ nữ.
Cụ thể, các bộ phim quốc tế tham dự gồm: “Vesuvio hoặc cách họ học cách sống giữa các núi lửa” (Italia), “Người làm công vui vẻ - Hay cách phá hoại công việc” (Phần Lan), “Cô gái mang tên Tania” (Bỉ), “Những người kiên định” (Đức), “Rác ơi về đâu” (Áo), “Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu” (Anh) và đặc biệt là bộ phim “Muntadas ở Hà Nội: Diễn giải về đô thị từ góc nhìn Tây Ban Nha - Việt Nam” (Tây Ban Nha) về Hà Nội qua góc nhìn của người nước ngoài.
Phim “Kẻ thù của tôi - Bạn của tôi” (đạo diễn Phạm Hồng Thăng, Dương Văn Huy), một trong 12 phim của Việt Nam tại liên hoan phim.
Lần thứ 13 này, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương tham gia 9 phim, gồm có: “Bí ẩn từ lòng đất” (đạo diễn Phùng Ngọc Tú), “Kẻ thù của tôi - Bạn của tôi” (đạo diễn Phạm Hồng Thăng, Dương Văn Huy), “Phía trên những đám mây” (đạo diễn Đào Duy Từ, Lê Anh Tuấn), “Tội ác phía sau lòng tin” (đạo diễn Hoàng Dũng, Trần Xuân Chung), “Những đôi chân không mỏi” (đạo diễn Đào Đức Thanh), “Ô nhiễm trắng” (đạo diễn Dương Văn Huy), “Khi họ có niềm tin” (đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng), “Đường về hoang dã” (đạo diễn Đặng Thị Linh), “Mắt bão” (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc).
Đạo diễn Phạm Hồng Thăng trả lời với báo chí về phim “Kẻ thù của tôi - Bạn của tôi”.
Trả lời Pv báo chí, đạo diễn Phạm Hồng Thăng chia sẻ: "Bộ phim “Kẻ thù của tôi - Bạn của tôi” được ra đời nói về câu chuyện của hai người lính phi công Nguyễn Hồng Mỹ (Việt Nam) và Dan Chery (Hòa Kỳ) trong cuộc chiến tranh từ năm 1972. Trở về thời bình, hai người lính may mắn còn sống được trở về và đã có cơ duyên tìm lại được nhau, thông qua chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly".
Mẫu tem phát hành tại Hoa Kỳ có in ảnh chân dung hai phi công Dan Cherry (Hòa Kỳ) và Nguyễn Hồng Mỹ (Việt Nam).
"Bộ phim cũng mong muốn truyền tải thông điệp hòa bình "bỏ qua quá khứ - hướng tới tương lai", đó là sự hợp tác hữu nghị tốt đẹp, là mối quan hệ bạn bè quốc tế và tình người tình bạn giữa hai người lính của hai quốc gia". - đạo diễn Phạm Hồng Thăng bày tỏ.
Bên cạnh đó, liên hoan phim cũng có 3 phim của các tác giả độc lập tham gia, gồm: “Người chuyển giới và quyền tự quyết với cơ thể” (đạo diễn Kim Thanh Trần), “Tôi muốn thở” (Hương Na Nguyễn) và đặc biệt là “Những đứa trẻ trong sương” (đạo diễn Hà Lệ Diễm) nằm trong danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Giải Oscar 2023 và đã đoạt nhiều giải quốc tế.
Thông qua các bộ phim tham dự liên hoan, khán giả có dịp tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội Việt Nam cũng như của các nước khác tham gia; hiểu biết hơn về xã hội, mối quan hệ giữa người với người và khám phá những vùng đất và những vấn đề đương đại, đang được quan tâm hiện nay.
Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13 sắp diễn ra, mở cửa miễn phí.
Tại Hà Nội, các phim được chiếu tại Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương (số 465 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội). Tại thành phố Hồ Chí Minh, các phim được chiếu tại DCINE Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP. HCM). Rạp chiếu mở cửa miễn phí cho khán giả đến xem.
Đại Lộc